Phong cách chơi board game của người Việt Nam

Đăng ngày 06/01/2017

1. Ngồi bệt

Chơi board game mà ngồi bệt xuống sàn nhà hay thảm, là một trong những nét đặt trưng nhất được tìm thấy ở Việt Nam. Có nhiều lý do giải thích tại sao đa số chúng ta không ưa ngồi bàn ghế khi chơi.

Việt Nam là một đất nước dân dã, nhìn vào các trò chơi truyền thống bạn sẽ thấy ngay điều đó. Ngày xưa khi chơi Ô Ăn Quan, người ta chỉ thu thập những hòn sỏi về và vẽ trên nền đất là có thể có hàng giờ vui vẻ rồi. Hay những người dân chơi Bài Tiến Lên, Cờ Tướng mà có thể ngồi ở bất kỳ nơi đâu trên vỉa hè đường phố để thưởng thức. Điều kiện không phải lúc nào cũng có những chiếc bàn ghế đàng hoàng, nên người Việt Nam, với cá tính linh động có thể chơi ở bất kỳ lúc nào miễn là có một mặt phẳng. Chính những hình ảnh đó đã khắc sâu vào tâm trí mỗi chúng ta, để liên kết thể loại board game này với một đám đông tụ tập quay quần bên một bàn cờ dưới đất.

Thứ hai, lần đầu tiên du nhập vào Việt Nam, board game tiếp xúc với các quán cafe như một hình thức mới mẻ, độc đáo để thu hút khách. Đa số các quán cafe board game này có mô hình trải thảm, ngồi bệt cho khách thoải mái. Vì vậy việc chơi board game ngồi bệt hiển nhiên trở nên dễ dàng hơn, đồng thời nó cũng có không gian cho những game có thành phần nhiều.

2. Tô xúc xắc

Bạn còn nhớ khi chơi Cờ Tỷ Phú hay Cờ Cá Ngựa, bạn đã dùng một chiếc tô để thảy xúc xắc vào trong phát ra những tiếng leng keng êm tai chứ? Chắc hẳn là bạn vẫn còn giữ thói quen đó khi chơi board game hiện đại.

Trong khi ở Phương Tây hầu như không có nơi nào sử dụng cách này, họ đều thảy xúc xắc ra mặt bàn, thì ở Việt Nam nó làm người ta khó chịu. Bạn có thể thảy xúc xắc văng ra mặt bàn đúng không, tốt hơn hết là dùng một thứ gì đó để giữ lại, và chiếc tô tự nhiên trở thành một biểu tượng cho board game ở đây! Hơn nữa, tiếng leng leng thảy xúc xắc khi va chạm với mặt tô đã để lại một ấn tượng sâu đậm cho những ai từng chơi các trò truyền thống, khiến người ta khó cưỡng lại được âm thanh quen thuộc ấy. Lần nào đó bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy một nhóm chơi Machikoro sử dụng tô để thảy, và mỗi lượt họ lại chuyền chiếc tô đó cho nhau… một công việc cực nhọc!

3. Chợ búa

Người ta nói ở Việt Nam, ba người đàn bà sẽ trở thành một cái chợ. Bây giờ đây, điều đó cũng đúng nếu nói 3 nhóm board game thành một cái chợ… và là cái chợ lớn! Vốn bản tính thoải mái thể hiện, diễn đạt cảm xúc cá tính của mình, người Việt luôn thích ăn to, nói lớn khi chơi board game. Thích thì họ sẽ la hét, ghét thì họ sẽ dằn vặt đau khổ công khai. Điều này thật tốt để chơi board game một cách thú vị nhất, thể hiện cảm xúc, kinh nghiệm đến người chơi khác. Nhưng đôi khi nó sẽ gây phiền hà cho những nhóm khác bên cạnh, ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của những người gần đó. Khi chơi board game, cứ như là người ta không để ý đến những người xung quanh và bị cuốn hút cả vào trò chơi.

Tại nước ngoài, họ chơi board game và tận hưởng một cách khá tao nhã và có chừng mực; nhưng ở Việt Nam người ta có quyền thoải mái diễn đạt cảm xúc một cách tột đỉnh, điên rồ nhất có thể.

4. Sáng tạo, chế luật chơi

Sáng tạo thì ở Việt Nam chưa chắc nhiều, nhưng việc chế luật, cải biến thì chúng ta làm giỏi nhất rồi! Bạn có thể thấy tuy cùng một game, ở đây mỗi nơi chơi một kiểu theo cách ưa thích của họ. Và hầu hết các “house rule” ấy đều khá thú vị. Một trò như Uno có thể chơi khác nhau từng nhóm, Ma Sói cũng vậy - trò nào càng phổ biến thì càng nhiều có khả năng có “luật rừng”.

Board game vốn là dễ để tạo thêm luật mới cho nó, gặp phải bản chất thích chế của người Việt nữa thì đúng là như cá gặp nước. Mặc dù có thể điều này gây ra không ít phiền phức cho người nào muốn tìm hiểu board game hay muốn có sự thống nhất; việc thêm nhiều luật có thể tạo ra sự đa dạng thú vị.

5. Thích “bóp” nhau

Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Hoa Kỳ đã chỉ ra một trong tính cách của người Việt đó là đoàn kết nhưng thiếu kết nối để tạo nên sức mạnh. Có lẽ vì vậy mà những game phối hợp đồng đội như Pandemic, Hanabi vẫn chưa dược biết nhiều ở đây. Thay vì đó người ta thích các trò kiểu “bóp” nhau hơn, công kích nhau như Mèo Nổ, Uno, Bang! Gây thù hấn và để lại ấm ức cho người khác trong một trò chơi thực sự rất kích thích cảm giác thỏa mãn!

Có khi bạn gặp một nhóm nào đó khi nói về game đồng đội họ sẽ lắc đầu ngao ngán, bạn sẽ biết nhóm đó rất thích những game “bóp” nhau thật mạnh. Đó là một logic dễ suy ra!

6. Chuộng game ẩn vai trò

Nếu đếm 10 game phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay, thì bạn sẽ thấy hơn một nửa là game ẩn vai trò. Tại sao như thế? Có thể là do Ma Sói, một game quá hot ở đây đã kéo theo một luồng người tìm hiểu thêm về thể loại ẩn vai trò, họ muốn tìm ra những game giống Ma Sói nhưng chơi khác đi. Và như thế các Avalon, Bang!, Shadow Hunters, Blood Bound, Two Rooms and a Boom cũng nổi lên và được quan tâm.

Một phần khác bởi người Việt thích chơi game nhiều tương tác, mà ẩn vai trò là thể loại đáp ứng tốt nhất nhu cầu đó. Nghi ngờ, lừa dối, phán đoán, suy luận, những thứ đó có sức hấp dẫn ghê gớm đối với chúng ta.

7. Ngại học luật, chỉ muốn chơi

Nhiều lúc bạn giảng luật cho một nhóm nào đó, rồi họ nói: “Thôi cứ chơi đi rồi biết”, có không? Khác với người nước ngoài, mà thường thích tìm hiểu cặn kẽ luật chơi, suy nghĩ chiến thuật rồi mới bắt đầu; người Việt ta ít khi chịu kiên nhẫn để nghe hết luật, đặc biệt với các game luật khá nhiều. Thay vì đó, họ thích trải nghiệm để học luật, hơn là lý thuyết suông. Nhưng chỉ cần chơi một lần họ sẽ nắm bắt và hiểu luật rất nhanh, và nhớ rất lâu.

Như thế, board game là một công cụ phản ánh nên ý thức của con người, nó thay đổi tùy vào thời gian lịch sử và hoàn cảnh cụ thể. Đến với đất nước Việt Nam xinh đẹp, nó cũng mang đậm dấu ấn trong tư duy văn hóa của người Việt. Chúng ta hãy tự hào về văn hóa đó, và vì chúng ta có thể chơi board game!

BoardgameVN