Board game và các loại hình game khác

Đăng ngày 07/02/2017

1. Board game vs Video game

Trong khi video game thiên về trải nghiệm cá nhân, độc lập thì board game hướng đến tính xã hội, tương tác trực tiếp người với người không chỉ trên màn ảnh. Video game có thể là một cách tốt để giải trí mà không lệ thuộc vào sự có mặt của người khác, board game bạn cần nhiều người để chơi cùng. Điểm mạnh của video game là tương tác vật lý trong thế giới game, hiệu ứng đẹp, sinh động bắt mắt - mô tả phong phú các khía cạnh của câu chuyện. Với board game, những thứ diễn ra hầu hết được thể hiện trong trí tưởng tượng bắt nguồn từ các quân bài, xúc xắc, hay các thành phần khác của game đó - tương tác vật lý này cũng là thế mạnh của board game. Mọi luật chơi trong video game đều được máy tính kiểm soát và chắc chắn đúng; bạn cần phải tự kiểm soát luật khi chơi board game và đảm bảo tính thống nhất của nó, làm cho board game có thể linh động và thay thế luật dễ dàng hơn.

Hiện nay thì ranh giới của hai thể loại này ngày càng mờ dần, khi ta nhìn thấy nhiều board game được chuyển thể thành video game, có thể chơi online, và có những video game đã truyền cảm hứng tạo nên các board game tương ứng với nó. Video không đối lập với board game hoàn toàn, mà nhiều khía cạnh chúng sẽ bổ trợ nhau, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của đời sống tinh thần chúng ta.

2. Board game vs Outdoor/Group game

Group game có thể hiểu dễ dàng là các thể loại game vận động, chơi nhóm thường thấy như rượt bắt, năm mười, mèo đuổi chuột, giật cờ,... xuất hiện nhiều trong các buổi sinh hoạt. Group game không cần nhiều thành phần chơi nên có thể chơi ở bất kỳ nơi đâu, board game thì luôn có thành phần để mang theo vì mọi luật xoay quanh các thành phần đó. Group game thiên về vận động, phản ứng nhanh nhẹn mà ít nhấn mạnh đến chiến thuật - mà là một phần quan trọng trong board game.

Luật chơi của group game đơn giản, còn board game có thể dao động ở nhiều mức độ khác nhau. Để chơi một group game bạn cần một số lượng lớn người chơi, còn board game đa số từ 2 đến 6 người, mặc dù có một số ít board game có thể đáp ứng lượng người rất lớn như Ma Sói. Cả hai loại hình game này giống nhau là đều không phụ thuộc vào công nghệ.

3. Board game vs RPG game

Hai thể loại này có vẻ gần giống với nhau nhất, bởi nhiều điểm nhất định. RPG (role-playing game) tiêu biểu như Dungeons & Dragons (D&D) có thể được chơi chỉ sử dụng bút chì và giấy, cùng với trí tưởng tượng. Tuy nhiên kể từ khi xuất hiện phiên bản 3e của D&D, các mô hình và bàn cờ được khuyến khích đem vào sử dụng, từ đó làm cho RPG có vẻ giống với board game hơn. Những combat trở nên mang tính chiến thuật và đòi hỏi sự chính xác cao - đỉnh điểm của phong cách chơi này là ở phiên bản 4e. Khác biệt ở RPG và board game đó là yếu tố nhất quán trong luật chơi. Trong khi board game bạn cần tuân thủ 100% luật của tác giả đề ra để đảm bảo cho game hay và vận hành tốt nhất, thì với RPG bạn không cần tuân theo tất cả luật được đề xuất. Chơi RPG nhấn mạnh đến kinh nghiệm nhiều hơn nên đôi khi Game Master có thể thay đổi luật nào đó ưa thích, hoặc thêm luật mới.

Board game tập trung vào tính cạnh tranh, sự công bằng, rõ ràng; còn RPG thì chủ yếu về kinh nghiệm hợp tác đồng đội, trải nghiệm tính nhập vai. Bạn không cần suy nghĩ nhiều lắm về chiến thuật khi chơi RPG, tuy nhiên bạn cần tính toán chiến thuật để thắng một board game.

4. Board game vs Simulation game

Những game simulation (giả lập) minh họa lại một khía cạnh trong cuộc sống thật, vi dụ như bắn súng, trốn thoát khỏi căn phòng bí ẩn, nhập vai, các trò chơi đánh trận giả. Chơi những game giả lập bạn có tự do để làm điều mình thích trong một không gian nhất định, bạn thực sự đang ở trong thế giới của game tương tác với các môi trường vật lý. Board game thì giới hạn thế giới game vào các thành phần của nó, tuy nhiên các thành phần càng nhiều, phức tạp thì thế giới game đó càng đa dạng hơn.

Rất khó và tốn kém để gầy dựng thế giới game trong simulation game, nhưng dễ dàng làm điều đó với board game. Simulation game đưa bạn vào góc nhìn thứ nhất để nhập vai, còn board game mang lại góc nhìn thứ ba tạo ra nhiều chiến thuật khách quan. Bạn cần tạo nhiều điều kiện để chơi một simulation game, nhưng bạn có thể mang một bộ bài đến bất kỳ nơi đâu.

BoardgameVN