Playtester - Những người phát triển board game

Đăng ngày 27/09/2017
Nếu bạn có chút ít quan tâm đến việc thiết kế (design) một board game, bạn sẽ biết nó có một tiến trình vất vả để hoàn thiện như thế nào. Tác giả lên ý tưởng và tạo ra luật chơi, nhưng có những người khác quan trọng không kém - họ chơi test cùng tác giả, đóng góp các ý kiến, tìm ra lỗi sai gây mất cân bằng để hoàn thiện game hơn - họ được gọi là các Playtester. 
 
 
Playtester - Những người xây gạch 
 
Thiết kế board game là một tiến trình độc đáo, bạn không thể thiết kế một mình được. Bạn cần có người để chơi cùng! Bạn cần ý kiến từ mọi người để xây dựng game tốt hơn. Họ chính là tiêu chí để bạn xác định một game có thành công hay không. Những playtester sẽ tham gia cùng bạn cả tiến trình phát triển game, họ cho bạn thấy những khía cạnh mà bạn không thể nhìn thấy. Càng test game với nhiều người, bạn càng nhìn thấy nhiều khía cạnh của game hơn, và hiểu rõ bản chất game đó hơn. Đôi khi playtester còn cho bạn một giải pháp bất ngờ mà bạn đã luôn phải vò đầu tìm kiếm. 
 
 
7 Planets - một game đang hoàn thiện bởi Nguyên Trường
 
Playtester là một khái niệm không chỉ có ở board game, mà còn cả thiết kế video game, nhưng ở board game thì nó mang tính chất hơi khác. Vì bản chất board game là tương tác trực tiếp giữa con người với nhau, các playtester ở đây cũng nhạy cảm và được đòi hỏi cao hơn. 
 
Các yếu tố của một Playtester giỏi:
 
Có thể bạn nghĩ rằng chơi test game chỉ là đến và chơi, sau đó chia sẻ cho biết mình cảm thấy game này hay hay dở chỗ nào. Đúng là như vậy, nhưng ở một mức độ cao hơn, playtester cần phải có kỹ năng phân tích game - không chỉ nói nó hay/ dở, mà còn biết giải thích tại sao nó hay/dở. Nhìn chung, một playtester tốt cần có các đặc điểm sau đây:
 
  • Biết diễn tả cảm xúc: Truyền tải kinh nghiệm chơi của mình đến tác giả. Có thể game kịch tính, hấp dẫn, hay nhàm chán, hay gây bức xúc,... Dù là gì cũng cần thẳng thắn nói ra những gì mình cảm thấy cho tác giả biết hoàn thiện hơn. Khả năng diễn đạt ngôn ngữ cũng là cần thiết, nhưng miễn là bạn truyền đạt cho người khác dễ hiểu là được.
 
  • Thẳng thắn: Không sợ làm mích lòng tác giả. Sự thật luôn được ưu tiên, đừng vì sợ làm hỏng mối quan hệ mà không đóng góp thật sự những gì bạn nghĩ. Điều đó là tệ nhất, là lừa dối tác giả. Một tác giả giỏi, chuyên nghiệp sẽ luôn biết cách đối phó với những lời chỉ trích, vì vậy playtester phải thẳng thắn chia sẻ những gì mình nghĩ. 
 
  • Óc phân tích, tìm ra vấn đề: Playtester không chỉ đơn giản là chơi, nếu họ có khả năng phân tích game thì sẽ giúp ích rất nhiều. Đó là khả năng lý giải những khía cạnh của gameplay, tại sao nó hay, tại sao nó gây nhàm chán, tại sao không nên như vậy,... Quan trọng hơn, playtester cần biết được vấn đề của game là như thế nào.

 
  • Đề xuất giải pháp: Công đoạn này thuộc về designer nhiều hơn, nhưng một playtester tốt có thể tìm ra một giải pháp cụ thể và gợi ý nó cho designer. Việc này thật sự khó, và là trình độ cao nhất yêu cầu từ một playtester nhiệt tình. 
 
  • Tôn trọng ý kiến của designer: Sai lầm thường thấy ở các playtester thông thường, đó là cố chứng tỏ ý kiến mình là đúng và ép buộc designer phải thay đổi như mình muốn! Đầu tiên cần nhận ra rằng, game là của designer, chứ không phải của bạn. Bạn có quyền đưa ra các giải pháp, ý kiến, nhưng chính designer mới là người quyết định sau cùng. Nếu bạn cảm thấy bất mãn vì designer không theo ý bạn thì bạn không phải là một playtester tốt. 
 
  • Mong muốn chơi lại: Playtest một game không đơn thuần là chơi và giải trí. Mục đích cao hơn của nó: hoàn thiện game. Vì vậy không chỉ chơi một lần, mà phải nhiều lần cùng một game. Nếu bạn chán chường khi chơi cùng một game đó, thì chắc hẳn bạn đã quên mất mục đích chính đó. Một playtester tốt sẽ luôn hứng thú chơi cùng một game sau mỗi lần nó được sửa lỗi, để tìm xem nó hoàn thiện đến đâu, và đi cùng nó cho đến khi thật sự hoàn thiện.
 
Bạn có muốn trở thành một Board game Playtester? 
 
 
Khi bạn xuất bản một board game, tên của bạn sẽ được ghi trên bìa hộp, nhưng những playtester chính là những người đồng hành cùng bạn tạo ra game đó. Cho nên hầu hết các board game đều có mục “credit” với danh sách tên của những người đã chơi test, để tỏ lòng trân trọng họ.
 
Bạn có đủ những yếu tố để trở thành một playtester? Điều đó không quan trọng, quan trọng nhất là nhiệt thành của bạn vào việc đóng góp phát triển một trò chơi. Nếu bạn muốn tạo ra game, nhưng nhận thấy không đủ sức, thì có thể tham gia như một playtester. Hoặc bạn muốn chơi những game chưa từng được xuất bản? Playtester rất dễ, nhưng để làm một playtester giỏi thì khó. Hãy tự trải nghiệm điều dó lần tới bạn được mời tham gia vào một buổi test board game nào. Rồi bạn sẽ nhận ra mình học được rất nhiều điều từ vai trò thú vị này! 
 
 

BoardgameVN

Bạn có thể đăng ký trở thành playtester của BoardgameVN bằng cách gửi thông tin, mô tả cá nhân đến mail [email protected].
Tham gia cộng đồng thiết kế board game lớn nhất tại VN: https://www.facebook.com/groups/BoardgamedesignVN/